[RETRONYMS - TỪ PHỤC CỔ]

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội có tính động tức nó luôn sẵn sàng đón nhận những cái mới, loại bỏ những cái không còn được sử dụng, thậm chí cải biến cả những cái cũ để tiếp tục sử dụng trong hiện tại. Trong nội dung bài viết hôm nay, tôi sẽ tập trung vào sự cải biến ở cấp độ từ, cụ thể là đối với nhóm từ được gọi là "Retronyms"(Tạm dịch: Từ phục cổ). Thú thật, tôi chưa tìm được cách dịch thuật ngữ này một cách chính thức ra Tiếng Việt mà dựa vào cách dịch của từ "thời trang retro" hay "thời trang phục cổ". Đây là một phong cách thời trang lấy cảm hứng từ gu ăn mặc trong quá khứ nhưng thổi vào đó những nét sáng tạo mới và độc đáo. 

                      Hình 1: Nguồn cảm hứng từ quá khứ cho phong cách thời trang retro

Đầu tiền, ta cần hiểu thế nào là "Retronyms" (Tạm dịch: Từ phục cổ). Xét từ góc độ Từ nguyên học, có thể phân tách từ "Retronyms" thành hai hình vị: "retro-" có nghĩa là "quay ngược lại", "-nym" có nghĩa là "tên gọi". "Retronyms" có thể hiểu nôm na là tên gọi có tính chất hoài niệm  của những đồ vật/khái niệm trong quá khứ. Tuy nhiên, không nên lầm tưởng đây là những từ cũ rích, từ phục cổ thực chất là những từ mới được cải biến từ tên gọi cũ trước đây tức "rượu cũ bình mới". 

Vì sao lại có sự ra đời của lớp từ phục cổ? Có thể nói, một trong những chức năng chính của ngôn ngữ là định danh. Mỗi ngày, với sự phát triển của công nghệ như vũ bão, luôn có nhiều đồ vật/khái niệm mới cần được gọi tên, chính vì thế, ngôn ngữ phải sáng tạo không ngừng để đáp ứng nhu cầu ấy. Bên cạnh việc định danh cho những khái niệm mới, những tên gọi cho những đồ vật/khái niệm cũ cũng dần được sử dụng cho những phiên bản hiện đại hơn của chúng. Lấy ví dụ trong tiếng Anh, nếu dùng từ "phone" hay "điện thoại" vào những năm 1990 người ta sẽ nghĩ ngay đến "điện thoại quay số" (Hình 2) nhưng ngày nay nói đến từ "phone" người ta sẽ thường nghĩ ngay đến phiên bản "điện thoại cầm tay" hay "điện thoại thông minh" (Hình 3).

.                    
Hình 2: Nghĩa của từ "Phone" trong quá khứ                 Hình 3: Nghĩa của từ "Phone" trong hiện tại

 
Như vậy,  từ "phone" không còn giữ nét nghĩa ban đầu của nó nữa, làm thế nào để chúng ta gọi tên "điện thoại quay số"? Đây là lúc từ phục cổ sẽ được dùng tới, chúng ta phải sáng tạo thêm một tên gọi mới là "rotary phone" hay "điện thoại quay số", từ này chỉ mới được tạo ra sau này không phải lúc "điện thoại quay số" còn được sử dụng phổ biến. 

Từ phục cổ thường có cấu trúc: Tên gọi cũ + Đặc trưng của đồ vật/khái niệm đó (mở rộng nghĩa). Ví dụ: rotary (đặc trưng) + phone (tên gọi cũ). Chúng ta sẽ phải mở rộng nét nghĩa của tên gọi cũ để định danh lại một đồ vật/khái niệm đã tồn tại từ rất lâu trong quá khứ. Sau đây, tôi sẽ đưa ra thêm một số ví dụ về "Retronyms" (Tạm dịch: Từ phục cổ)  để đọc giả hiểu rõ hơn.

LIVE MUSIC - NHẠC SỐNG
Trong thời đại trước đây, việc cảm thụ âm nhạc là trực tiếp tức người nghe sẽ có mặt tại nơi mà nhạc công và ca sĩ biểu diễn. Lúc này, chỉ tồn tại từ "music" để chỉ "nhạc sống". Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, việc nghe nhạc dần chuyển sang gián tiếp, con người thường sẽ nghe nhạc qua các bản thu âm, các app phát nhạc, hay các kênh chia sẻ âm thanh/hình ảnh như Youtube, Dailymotion,..., "music" sẽ không còn giữ nguyên nét nghĩa "nhạc sống" của mình nữa. Chính vì vậy, từ "live music" đã ra đời sau này để chỉ "nhạc sống".

                                                    Hình 4: Live music - Biểu diễn nhạc sống


NATURAL DYES - THUỐC NHUỘM TỰ NHIÊN

Thời xưa, con người nhuộm vải bằng các chất có nguồn gốc tự nhiên như rễ cây, lá cây, khoáng vật,... Từ "dyes" - "thuốc nhuộm" lúc này chỉ có thể được hiểu là "thuốc nhuộm tự nhiên". Tuy nhiên, sau này các nhà khoa học nghiên cứu ra "synthetic dyes" - "thuốc nhuộm tổng hợp" và loại thuốc nhuộm này càng được sử dụng phổ biến trong sản xuất vải. Chính vì vậy, từ "natural dyes" - "thuốc nhuộm tự nhiên" mới được ra đời sau này để phân biệt với "synthetic dyes" - "thuốc nhuộm tổng hợp". 


Hình 5: Natural dyes - Thuốc nhuộm tự nhiên


OFFLINE MEETING - GẶP MẶT NGOẠI TUYẾN

Trước khi có điện thoại/Internet, con người chỉ có thể gặp mặt trực tiếp để trao đổi thông tin với nhau. Lúc này, chỉ tồn tại duy nhất từ "meeting" để chỉ những buổi gặp mặt trực tiếp này.  Dần dần, Internet ra đời con người không cần phải di chuyển để gặp nhau, họ có thể gặp mặt trực tuyến thông qua màn hình máy tính. Để phân biệt với "online meeting" - "gặp mặt trực tuyến", từ "offline meeting" - "gặp mặt ngoại tuyến" đã ra đời sau này dù hình thức gặp mặt này đã tồn tại từ rất lâu trong quá khứ. 


Hình 6: Con người có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc gặp gỡ và trao đổi thông tin

Bài viết trên hy vọng đã giới thiệu cho các bạn những hiểu biết cơ bản nhất về "Retronyms" (Tạm dịch: Từ phục cổ). Nếu các bạn có ý kiến bổ sung hoặc thắc mắc hãy bình luận bên dưới để chúng ta thảo luận thêm nhé. Trân trọng./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[POKÉMONASTICS - BIỂU TƯỢNG HỌC ÂM THANH VỀ POKÉMON]

Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta hiện/đã từng rất mê mẩn thế giới Pokémon - nơi có những sinh vật vô cùng đáng yêu nhưng cũng đầy quyền...