[OXYMORONS - TỪ NGHỊCH HỢP]

 Tục ngữ Việt Nam có câu: "Ghét của nào trời cho của đó". Đôi khi, những thứ dường như là đối lập, mâu thuẫn nhau lại có sức hút mãnh liệt với nhau và tạo nên một sự kết hợp hoàn mỹ. Trong Ngôn ngữ học cũng tồn tại hiện tượng như vậy, đó là Oxymorons - Từ nghịch hợp mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

Hình 1: Như hai cực đối lập đối lập của nam châm, hai từ đối lập về nghĩa cũng có thể kết hợp với nhau.

Oxymorons - Từ nghịch hợp được hiểu đơn giản là chúng ta sẽ kết hợp các từ đối lập về nghĩa lại với nhau nhằm tạo ra một sự kết hợp "ngữ nghĩa" thú vị. Lưu ý, không phải là chúng ta cứ mang bất kỳ những từ trái nghĩa kết hợp lại với nhau là sẽ ra được từ nghịch hợp mà sự kết hợp đó phải thật sự tạo ra một khái niệm có thể hiểu được trong những ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: từ "old news" - tin cũ, trong tiếng Anh "news" có thể được hiểu là những tin tức mới, nóng hổi nhưng khi đem từ "old" đặt trước nó sẽ tạo ra một hiệu ứng nghịch hợp, "mới" và "cũ" kết hợp lại với nhau tạo ra khái niệm "old news" - tin tức đã cũ kỹ, lạc hậu. Tiếp đến, chúng ta cùng phân tích một số ví dụ từ nghịch hợp trong Tiếng Anh nhé.


"ANTISOCIAL SOCIAL CLUB - CÂU LẠC BỘ XÃ HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI PHẢN XÃ HỘI"

Từ nghịch hợp này có thể được bắt gặp trên một số mẫu thiết kế áo phông, áo khoác của một số bạn trẻ hiện nay. Nếu phân tích sâu, đây là một từ nghịch hợp. "Antisocial" là tính từ để chỉ những cá thể trong xã hội có hành vi "phản xã hội" hay đi ngược lại với những quy tắc chuẩn mực xã hội. Hành vi phản xã hội bao gồm: dễ nóng giận, thích phạm luật, không quan tâm đến người khác, không đi theo những lề thói xã hội,... Những người có khuynh hướng "phản xã hội" rất khó có thể hòa hợp vào cộng đồng xã hội lớn hơn và họ thường sẽ tách biệt bản thân ra, có rất ít những mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nếu những người "phản xã hội lập" thành một "social club" - câu lạc bộ xã hội thì lại rất hợp lý vì họ có cùng quan điểm và hành vi, họ có thể thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Đồng thời, nó cũng tạo ra một sự đối lập là đã "phản xã hội" thì rất khó có thể sinh hoạt chung trong một cộng đồng. Đây là một từ nghịch hợp khá thú vị.



"BITTERSWEET - VỊ ĐẮNG NGỌT"

Nếu bạn là "fan cứng" của sô cô la, có thể bạn đã có trải nghiệm vị giác thú vị này. Hãy thử nhâm nhi một thanh sô-cô-la đen, ban đầu vị đắng sẽ là vị chủ đạo nhưng dần dần hậu vị sẽ là một vị ngọt thanh. "Bittersweet" nghĩa là vị đắng ngọt của sô cô la đen. Đắng và ngọt là hai vị mang tính chất đối lập nhưng khi chúng cùng xuất hiện thì sẽ tạo ra một sức hút vị giác mạnh mẽ cũng như ly cà phê sữa, vị đắng của cà phê hòa hợp cùng vị ngọt của sữa, làm cho hàng triệu con người mê mẩn. "Bittersweet" cũng có thể dùng cho một trải nghiệm cảm xúc: "Love is bittersweet". Có thể hiểu ý câu này là khi yêu là "ta đã chết đi trong lòng một chút" vì tình yêu đi đôi với "sự cay đắng", khổ đau nhưng trên cõi đời này hiếm có ai thoát được "lưới tình" vì yêu cho ta sự hạnh phúc, "vị ngọt" mà nhiều người khao khát.



"DEAFENING SILENCE - SỰ CÂM LẶNG LÀM CHÓI TAI"

Theo lẽ thường, "silence" có nghĩa là sự câm lặng tức là không phát ra bất kỳ một âm thanh vật lý nào cả còn "deafening" có nghĩa là làm điếc tai, làm chói tai. Sự kết hợp của hai từ này là một phép nghịch hợp vì đã câm lặng làm sao có thể gây chói tai, nhưng sẽ có những tình huống chúng ta muốn miêu tả cảm giác khó chịu do sự câm lặng gây ra. Đôi khi, câm lặng còn đáng sợ hơn là lời mắng nhiếc, chửi rủi nhau, khi con người ngừng giao tiếp thì mối quan hệ của họ cũng trở nên tệ hại hơn. Hẳn các bạn đã nghe đến cụm từ "chiến tranh lạnh", khi hai vợ chồng hay hai người yêu nhau trong giai đoạn "chiến tranh lạnh" thì họ không còn tha thiết gì nói chuyện với nhau nữa, sự câm lặng bây giờ còn gây khó chịu hơn gấp trăm lần lúc họ cãi vã nhau. Sự câm lặng này không chỉ gây khó chịu cho chính người trong cuộc mà còn làm những người xung quanh cũng cảm thấy không thoải mái. Vì lẽ đó, ta có cụm từ "deafening silence" ra đời để miêu tả những tình huống như trên. 



Kết lại, từ nghịch hợp là một cách chơi chữ thú vị để miêu tả những khái niệm nằm lửng lơ giữa hai cực đối lập, chúng làm cho ngôn ngữ thêm sinh động, muôn màu muôn vẻ. Các bạn có thể tìm hiểu thêm ý nghĩa của những từ nghịch hợp sau: "passive aggressive" - gây hấn thụ động: một hành động gây hấn gián tiếp thường bắt gặp trong môi trường công sở; "alone together" - một mình cùng nhau: hiện tượng con người trong thời đại công nghệ, họ có thể "ở cùng nhau" trong một không gian nhưng họ thật ra lại sống "một mình" trên mạng xã hội, không quan tâm đến cuộc sống ngoài đời thực; hay "big baby" - bé bự: những người đã trưởng thành về tuổi tác nhưng cách hành xử không khác gì một đứa trẻ./. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...