Có thể với nhiều người học tiếng Anh, 'Phrasal Verbs' hay 'Động từ cụm' là một nỗi ám ảnh vì những lý do sau:
+ Tính chất không thể đoán nghĩa được: Một động từ cụm rất khó có thể đoán được nghĩa từ những từ thành phần, chính vì vậy, chúng ta phải tra cứu từ điển để biết được nghĩa của nó. Ví dụ: việc đoán nghĩa của động từ cụm 'give up' - 'từ bỏ' không thể dựa vào nghĩa của 'give' - 'cho' và 'up' - 'lên'.
+ Tính đa nghĩa: Một động từ cụm có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ: động từ cụm 'come out' có thể có nhiều nghĩa: 'công khai xu hướng giới tính' hoặc 'nở (hoa)' hoặc 'được xuất bản (sách)' hoặc 'ló dạng (mặt trời, mặt trăng)'.
+ Tính phức tạp về quy tắc ngữ pháp: Động từ cụm có thể có những quy tắc ngữ pháp rất khác so với động từ thường ('lexical verbs'). Bài viết ngày hôm nay sẽ đi sâu vào những quy tắc này...
Động từ cụm là những động từ có nghĩa từ vựng bao gồm nhiều hơn chính động từ ấy. Chúng có thể được chia làm 3 kiểu:
+ Loại 1: động từ + giới từ (preposition). Ví dụ: depend on something.
+ Loại 2: động từ + tiểu từ trạng từ (adverbial particle). Ví dụ: take something off.
+ Loại 3: động từ + trạng từ + giới từ. Ví dụ: come up with something.
PHÂN BIỆT LOẠI 1 VÀ LOẠI 2
Việc phân biệt Loại 1 và Loại 2 không phải là dễ dàng. Hãy nhìn vào hai câu sau:
(1): I look up the sky. ('Tôi nhìn lên trời')
(2): I look up a word. ('Tôi tra cứu nghĩa một từ')
Ở (1) và (2), 'look up' thoạt nhìn có cách sử dụng giống nhau, sau 'up' đều là một cụm danh từ 'the sky' và 'a word'.
Tuy nhiên, ở (1), 'look up' thuộc Loại 1. 'Up' ở đây là một giới từ, bắt buộc phải có một cụm danh từ đằng sau nó và đây là vị trí duy nhất của cụm danh từ. Chúng ta không thể nói: *I look the sky up.
Đối với (2), 'look up' thuộc Loại 2. 'Up' ở đây là một tiểu từ trạng từ, vì vậy cụm danh từ không nhất thiết phải nằm sau 'up', cụm danh từ có thể dời vào giữa 'động từ' và 'up'. Ta có thể nói: I look a word up.
Lưu ý: nếu tân ngữ là một đại từ, đại từ này bắt buộc phải nằm giữa 'động từ' và 'tiểu từ'. Ví dụ: I look it up.
Một tip lúc tra từ điển Oxford để ta có thể phân biệt Loại 1 và Loại 2.
+ Nếu là Loại 1 thì từ điển Oxford sẽ hiện thị như sau:
'Somebody'/'Something' luôn luôn đặt phía sau 'giới từ'.
+ Nếu là Loại 2 thì từ điển Oxford sẽ hiển thị như sau:
'Something' bao giờ cũng sẽ đặt giữa 'động từ' và 'tiểu từ' và có một ký hiệu '↔' đi kèm.
Bên cạnh đó, còn một đặt trưng để phân biệt Loại 1 và Loại 2. Loại 2 cho phép cấu trúc nội động từ (Intransitive-tức không cần tân ngữ) bên cạnh cấu trúc ngoại động từ (Transitive); còn Loại 1 luôn luôn phải có một tân ngữ.
Ví dụ: He finally turned up. ('Anh ta cuối cùng cũng đến')
'Turn up' ở đây thuộc Loại 2 vì đằng sau nó không bắt buộc phải có tân ngữ.
TÁCH LOẠI 1 THÀNH MỘT NHÓM ĐỘNG TỪ RIÊNG
Trong một số tài liệu Ngữ pháp Tiếng Anh, Loại 1 được tách riêng thành một nhóm động từ riêng được gọi là 'Prepositional Verbs' - 'Động từ giới từ' thay vì gọi là 'Phrasal Verbs' vì đằng sau nó là một 'cụm giới từ'. Đây là sự khác biệt về quan điểm, tác giả không thể kết luận cái nào là đúng, cái nào là sai. Các bạn đọc giả nghĩ như thế nào về cách phân loại này?
LOẠI 3: GIAO THOA GIỮA LOẠI 1 VÀ LOẠI 2
Loại 3 là nhóm 'động từ cụm' khá phức tạp bao gồm 1 tiểu từ và 1 giới từ.
Thông thường, tân ngữ sẽ nằm sau giới từ.
Ví dụ: He came up with an idea.
+ 'came': động từ.
+ 'up': tiểu từ.
+ 'with': giới từ.
+ 'an idea': tân ngữ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Loại 3 cho phép tân ngữ nằm ngay sau động từ.
Ví dụ: He put me up to it. ('Anh ta xúi giục tôi làm chuyện đó')
+ 'put': động từ.
+ 'me': tân ngữ.
+ 'up': tiểu từ.
+ 'to': giới từ.
Hy vọng, bài viết trên đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về Động từ cụm và trả lời cho các bạn một số câu hỏi về nhóm động từ này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét