[CÁC CHIẾN LƯỢC GIAO TIẾP HƯỚNG ĐẾN PHÉP LỊCH SỰ]

 Trong bài viết trước, chúng ta đã bàn về "Thể diện âm tính" và "Thể diện dương tính", có thể bạn cần đọc hoặc đọc lại: Link bài viết trước. Câu hỏi kế tiếp cần đặt ra là trong giao tiếp xã hội làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc giữ được thể diện bản thân đồng thời tôn trọng thể diện của người khác để đạt được tính lịch sự trong giao tiếp. Nội dung của bài viết hôm nay sẽ đưa ra một số chiến lược mà ta có thể áp dụng. Bài viết có tham khảo: "Giáo trình đại cương Ngôn ngữ học - Tập 2: Ngữ Dụng Học" của GS. TS. Đỗ Hữu Châu



Trước khi đi vào các chiến lược giao tiếp, chúng ta cần hiểu là khi chúng ta nâng cao thể diện của đối phương thì đồng thời chúng ta cũng sẽ phải đánh đổi một phần thể diện bản thân mình và ngược lại, khi chúng ta quá đề cao thể diện bản thân thì vô hình chung chúng ta cũng sẽ hạ thấp thể diện của đối phương. Như vậy, cái khó để trở thành một người giao tiếp tốt là chúng ta cần phải linh hoạt chọn lựa các chiến lược phù hợp để cân bằng hai phương diện này để vừa lịch sự, vừa đạt được mục đích giao tiếp. Tác giả sẽ chia các chiến lược giao tiếp thành hai nhóm tương ứng với "Thể diện âm tính" và "Thể diện dương tính". 


NHÓM CHIẾN LƯỢC GIAO TIẾP HƯỚNG ĐẾN LỊCH SỰ DƯƠNG TÍNH

Phép lịch sự dương tính hướng đến làm gia tăng, tôn vinh thể diện của đối phương (người nghe) đồng thời người nói cũng được hưởng lợi về mặt thể diện cho bản thân mình. Có thể liệt kê một số chiến lược sau:

1/ Quan tâm đến đối phương: "Hôm nay, cậu mặc áo mới à?". 

2/ Tán dương, khen ngợi: "Áo cool ngầu đó!".

3/ Nhấn mạnh lại mối quan hệ của mình với người nghe: "Bạn mình ơi!", "Em gái tui ơi!".

4/ Tìm kiếm chủ đề chung mà cả hai quan tâm: "Ê, mày coi bộ phim siêu anh hùng mới chưa?".

5/ Nêu ra một quan điểm, niềm tin chung của cả hai: "Mình cũng nghĩ như cậu nên trân trọng những giá trị hiện tại". 

6/ Có qua có lại: "Nay tớ sẽ lau bảng, mai cậu làm nhé!!!".

7/ Lôi kéo cùng nhau làm gì đó: "Nay cậu đi ăn trưa chung với tớ nhé!!!".


NHÓM CHIẾN LƯỢC GIAO TIẾP HƯỚNG ĐẾN PHÉP LỊCH SỰ ÂM TÍNH

Phép lịch sự âm tính lại kín đáo hơn, hướng vào "lãnh địa" bên trong hơn và có phần né tránh hơn, hạn chế những hành vi làm tổn hại thể diện đối phương đồng thời bảo vệ chính thể diện bản thân mình. Nó mang tính chất duy trì, bảo vệ hơn so với phép lịch sự dương tính hướng đến sự mở rộng, đề cao thể diện. 

1/ Rào trước đón sau: "Có thể mình sai nhưng mình muốn bày tỏ rằng..."; "Nói thật, mình chả còn một xu dính túi".

2/ Dùng lối nói gián tiếp, giảm thiểu sự áp đặt: "Ước gì có ai đó phơi đồ dùm mình ta..." ; "Cậu giữ hộ tớ cái túi này được không?".

3/ Dùng khiêm nhường ngữ để xưng, dùng tôn kính ngữ để hô: "Kẻ ngu muội này xin lắng nghe..." ; "Quý ngài vui lòng đi theo lối này ạ!!!"

4/ Bi quan trong lời nói: "Biết là anh ta sẽ từ chối nhưng mình vẫn muốn thử".

5/ Phi cá nhân hóa trong lời nói: "Ông bà mình hay nói là..." ; "Ai cũng nên có bạn".


Kết lại, thứ nhất, mình tin chắc các chiến lược trên không có gì là mới mẻ cả <đây mình cũng đang áp dụng một chiến lược, đố bạn biết là gì? :]]]> nhưng việc phân loại ra sẽ giúp bạn giao tiếp một cách có nhận thức hơn, cân bằng được tính âm dương, việc nghiêng về một thái cực sẽ không mang đến một hiệu quả tốt trong giao tiếp. Nếu bạn quá "dương" thì sẽ tạo cảm giác mình quá sỗ sàng, thiếu sự tinh tế nhưng nếu bạn quá "âm" thì sẽ tạo cảm giác con người này quá cẩn thận, khép kín, khó gần. Thứ hai, bài viết đã trình bày một lý thuyết về lịch sự nhưng việc áp dụng không hề đơn giản, cần sự tỉnh thức rất cao, chính mình cũng chưa thoát khỏi phong cách giao tiếp có phần "âm tính" của mình. Dù vậy, việc hình thành những nhận thức nền tảng cũng là một điểm bắt đầu tốt, phải không các bạn? Cuối cùng, mình muốn nhắn nhủ là: Chúng ta cũng không nên quá lạm dụng các chiến lược hướng đến sự lịch sự, điều đó sẽ có thể làm bạn trở thành một người giả tạo với người khác và nguy hiểm hơn là giả tạo với chính bản thân mình. Các chiến lược trên cần được áp dụng trên nền tảng của sự thật tâm, chân thành thì tác dụng của chúng mới đạt đến cực đại./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...