[LẬT LẠI ĐỊNH NGHĨA VỀ CHỦ NGỮ]

 Khi bắt đầu học ngữ pháp của một ngôn ngữ nào, chúng ta thường sẽ phải học cách xác định chủ ngữ trong một câu và điều này không hề khó khăn. Ví dụ:"John loves Vietnam", chúng ta sẽ xác định được ngay chủ ngữ là "John" vì nó đứng ngay đầu câu và phần vị ngữ phía sau là thông tin về "John". Tuy nhiên, việc nhận biết này thường sẽ chỉ là một phán đoán mang tính chất bản năng, ít ai sẽ tự hỏi chủ ngữ thật chất là gì, nó đóng chức năng gì trong câu? Bài viết sau sẽ mang đến cho đọc giả những góc nhìn khác về chủ ngữ.

Chúng ta hãy thử phân tích câu sau trong tiếng Nhật: 

テレビ        子供            見ます

Terebi    wa  kodomo     ga  mimasu

TV                 children             watch


Câu hỏi đặt ra ở đây là chủ ngữ trong câu này là gì? Là "TV" hay "children"? Nếu bạn nào học tiếng Nhật sẽ trả lời được ngay, chúng ta sẽ căn cứ vào các Markers-Chỉ tố: -waTopic Marker - Chỉ tố chủ đề, chức năng của nó là giới thiệu chủ đề sắp được nói đến còn -gaSubject Marker-Chỉ tố chủ ngữ, chức năng của nó là để xác định chủ ngữ. Như vậy, chủ ngữ ở đây phải là "children" còn "TV" là chủ đề của câu. Lại một câu hỏi to đùng khác xuất hiện: Ủa, "TV" cũng đứng đầu câu và nội dung phía sau là thông tin về TV, vì sao nó không phải là chủ ngữ giống như ví dụ "John loves Vietnam"? Để trả lời được câu hỏi này chúng ta cần lật lại định nghĩa về chủ ngữ.

Theo Halliday (2004), Subject-Chủ ngữ có 3 định nghĩa lớn:
(i) là cái mà mối quan tâm của thông điệp đó hướng đến. 
(ii) là cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định. 
(iii) là kẻ gây ra hành động. 

Chúng ta có thể thấy "John" trong câu "John loves Vietnam" khớp với 3 định nghĩa ở trên:
(i) "John" là mối quan tâm của thông điệp đó hướng đến.
(ii) "John: là cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định --> "anh ta yêu Việt Nam".
(iii) "John" là người tạo ra hành động "yêu Việt Nam".
--> Chúng ta dễ dàng kết luận "John" là chủ ngữ của câu này.

Nhưng điều này không thể áp dụng tương tự với câu "Terebi wa kodomo ga mimasu" trong tiếng Nhật. Ta có thể phân tích như sau:
(i) Cái mà mối quan tâm của thông điệp hướng đến ở đây là "TV" --> "TV" chính là chủ đề của câu này.
(ii) Cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định là "children" --> "con nít xem TV".
(iii) Kẻ gây ra hành động là "children".
--> Như vậy, câu này đáng lý ra phải có 2 chủ ngữ là "TV" và "children".

Các nhà ngữ pháp học phân loại 3 loại chủ ngữ:
(i) Chủ ngữ tâm lý - Psychological Subject: cái mà mối quan tâm của thông điệp đó hướng đến.
(ii) Chủ ngữ ngữ pháp - Grammatical Subject: cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định.
(iii) Chủ ngữ logic- Logical Subject: kẻ gây ra hành động. 

Trong hầu hết các cấu trúc câu, ba loại chủ ngữ này hội tụ vào cùng một đối tượng giống như câu "John loves Vietnam". Tuy nhiên, sẽ có những cấu trúc câu các loại chủ ngữ này sẽ hướng đến các đối tượng khác nhau giống như trong câu "Terebi wa kodomo ga mimasu" : chủ ngữ tâm lý là "TV", còn chủ ngữ ngữ pháp và chủ ngữ logic là "children". 

Trong Tiếng Anh, sẽ có những cấu trúc mà ba chủ ngữ hướng đến ba đối tượng hoàn toàn khác nhau (đây là một cấu trúc hiếm gặp):

My mother           the letter    was sent to    by me
Chủ ngữ tâm lý                Chủ ngữ ngữ pháp                                             Chủ ngữ logic

(i) Chủ ngữ tâm lý là "my mother" --> vì điều tôi sắp nói đến là về mẹ tôi (mối quan tâm của thông điệp).
(ii) Chủ ngữ ngữ pháp "the letter" --> lá thư này được gửi bởi tôi đến mẹ tôi (cái mà thuộc về nó một cái gì đó được khẳng định).
(iii) Chủ ngữ logic là "me" --> Tôi là người gửi thư cho mẹ tôi (kẻ thực hiện hành động). 

Kết lại, mục đích của bài viết này không phải là để làm đảo lộn định nghĩa về chủ ngữ mà các bạn đã học thông qua sách vở hay trường lớp. Cái tôi muốn khẳng định là: "CHỦ NGỮ MÀ CÁC TÀI LIỆU NGỮ PHÁP TIẾNG ANH THÔNG DỤNG ÁM CHỈ THỰC CHẤT LÀ CHỦ NGỮ NGỮ PHÁP". Hai loại chủ ngữ còn lại thường sẽ hợp nhất cùng chủ ngữ ngữ pháp. Để tránh sự nhầm lẫn giữa các loại chủ ngữ, các nhà ngữ pháp học đã đề ra hai thuật ngữ thay thế cho hai loại chủ ngữ còn lại, cụ thể là:
+ Chủ ngữ tâm lý sẽ được gọi là "Đề ngữ" (Theme) trong cấu trúc Đề-Thuyết (Theme-Rheme) --> các bạn có thể tìm đọc tài liệu về các khái niệm ngữ pháp này.
+ Chủ ngữ logic sẽ được gọi là Hành thể (Actor).

Nguồn tham khảo:
Halliday, M. A. K., & Matthiessen, C. M. (2004). Halliday's introduction to functional grammar.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...