Trong giao tiếp, một trong những quy tắc xã hội mà những người tham gia trong một cuộc hội thoại phải tuân theo là giữ thể diện bản thân đồng thời tôn trọng thể diện của người khác. Nếu như quy tắc này bị vi phạm hay phớt lờ, cuộc hội thoại có thể sẽ dẫn đến tranh cãi, mâu thuẫn và quan trọng hơn cả là mục đích giao tiếp sẽ khó lòng đạt được. Trong Ngữ dụng học, các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra những lý thuyết về Thể diện - Face, trong đó có sự phân loại ra hai phương diện của thể diện: thể diện dương tính và thể diện âm tính (Brown & Levinson, 1987). Hai phương diện này hòa quyện vào nhau, tác động lẫn nhau và cân bằng lẫn nhau cũng giống như hình ảnh "vòng tròn âm dương" bên dưới đây. Chúng ta sẽ đào sâu vào hai khái niệm này nhé.
THỂ DIỆN LÀ GÌ?
Có rất nhiều định nghĩa về "Thể diện", Yule (1996) định nghĩa: "Thể diện là hình ảnh công cộng về bản thân của một con người. Nó là thứ mỗi người có và mong muốn người khác phải thừa nhận". Nói cách khác, "Thể diện" chính là một thứ "trang sức vô hình" làm tôn lên giá trị của mỗi con người khi tham gia vào các tương tác xã hội. Tùy vào độ thân tình hay bản chất của các mối quan hệ xã hội, mức độ trọng thể diện sẽ khác nhau. Ví dụ, khi giao tiếp với "sếp" lớn chúng ta phải hết sức tôn trọng thể diện của "sếp" nhưng với đứa bạn thân đã quá hiểu nhau thì chúng ta có thể tha hồ "mặt dày". "Thể diện" có tính quy thức, nó chưa hẳn đã là con người thật của bạn nhưng trong giao tiếp nó là một phương diện tối quan trọng. Thể diện có thể chia làm hai phương diện: Thể diện dương tính và Thể diện âm tính.
THỂ DIỆN ÂM TÍNH
Yule định nghĩa: "Thể diện âm tính là mong muốn được độc lập, tự do trong hành động, không bị người khác áp đặt". Nói cách khác, đây là "lãnh địa cái tôi" của mỗi người, nếu ta xâm phạm vào "lãnh địa" này của một ai đó thì ta đã thực hiện một hành vi làm tổn hại đến thể diện âm tính của người đó, tức ta đã làm một hành vi bất lịch sự.
Ví dụ: Khi bạn hỏi một người phụ nữ phương Tây về tuổi tác của cô ta bạn đã thực hiện một hành vi làm tổn hại đến thể diện âm tính của cô ta vì tính cá nhân được đề cao trong xã hội phương Tây và tuổi tác là một vấn đề khá nhạy cảm với phụ nữ.
Yule định nghĩa: "Thể diện dương tính là nhu cầu được người khác chấp nhận là một thành viên trong xã hội, thậm chí được họ yêu thích, tán thưởng". Nói cách khác, đây là một "nhu cầu liên nhân" của mỗi người trong giao tế xã hội. Ví dụ, khi cấp dưới tặng quà Tết cho bạn nhưng bạn lại từ chối không nhận, bạn đã thực hiện một hành vi tổn hại đến thể diện dương tính của đối phương.
SỰ TƯƠNG TÁC QUA LẠI GIỮA THỂ DIỆN ÂM TÍNH VÀ THỂ DIỆN DƯƠNG TÍNH
Giống như hai mặt của đồng xu, thể diện âm tính và thể diện dương tính có sự tác động qua lại với nhau. Một hành vi làm tổn hại đến thể diện âm tính của một người đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến thể diện dương tính của người đó và ngược lại.
Ví dụ: Khi bạn xét cặp hay balo người khác vì nghi ngờ người đó lấy trộm vật gì đó, bạn đã đã làm tổn hại đến thể diện âm tính của người đó vì chạm vào đồ dùng cá nhân của người đó đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến thể diện dương tính của người đó vì bạn nghi ngờ người đó có hành vi trộm cắp, hình ảnh của người đó cũng bị xấu đi trong mắt người khác.
Bên cạnh đó, một hành vi có thể làm tổn hại đến thể diện âm tính của một người nhưng lại (có thể) làm tăng thể diện dương tính của người đó.
Ví dụ: Khi một chàng trai tỏ tình với một cô gái, anh ta đã phải đánh đổi thể diện âm tính của mình (cái tôi trần trụi) để cho mình một cơ hội. Nếu cô gái đồng ý làm bạn gái anh ta, anh ta sẽ được tăng thể diện dương tính của mình: anh ta được cô gái đón nhận, có giá trị trong mắt cô gái. Nhưng nếu cô gái từ chối, thể diện dương tính của anh ta cũng bị mất luôn. Điều này giải thích vì sao việc tỏ tình sẽ vô cùng khó khăn với mỗi người nếu như ta không vượt qua được thể diện âm tính của bản thân.
Kết lại, thông qua việc hiểu rõ về thể diện âm tính và thể diện dương tính, chúng ta sẽ có thể có cách giao tiếp phù hợp để vừa giữ được thể diện bản thân vừa tôn trọng thể diện của người khác . Trong bài viết kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về các chiến lược giao tiếp nhằm đạt được phép lịch sự - Politeness trong giao tiếp xã hội.
Nguồn tham khảo:
Brown, P., & Levinson, S. C. (1987). Politeness: Some universals in language usage (No. 4). Cambridge University Press.
Yule, G. (1996). Pragmatics. Oxford university press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét