NHỮNG CÂU CHUYỆN NẰM SAU NGÔN TỪ (PHẦN 2)

Tại sao chúng ta  lại nói "Bless you!" hay "God bless you!"?

Dạo này khi rong ruổi ở những nơi công cộng, mình luôn nghe được những âm vang "ắt xì" từ rất nhiều người qua đường (có thể là hệ quả của "bụi mịn" chăng?). Những lúc đó, mình nghĩ ngay đến một cụm từ tiếng Anh và tự hỏi tại sao người ta lại sử dụng nó? Cụ thể là, trong văn hóa Anh-Mỹ, khi bạn nhìn thấy ai đó "hắt xì hơi", bạn sẽ nói ngay "Bless you!" hay "God bless you!". Thiệt ra, không có một lời giải thích xác thực cho câu nói trên, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết cho việc sử dụng cụm từ này.


Giả thuyết thứ nhất bắt nguồn từ Đại dịch Cái chết đen (Tiếng Anh: The Black Death Plague) ở nước Anh. "Cái chết đen" là cụm từ để chỉ nạn dịch hạch bùng phát ở châu Âu, châu Á và châu Phi cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người vào thế kỷ 14. Vào thời đó, mọi người tin rằng "hắt xì hơi" là dấu hiệu của bệnh dịch, chính vì vậy, khi ai đó hắt xì, người ta sẽ bày tỏ sự thương tiếc bằng cụm từ "Bless you!'. Tuy nhiên, "hắt xì hơi" lại không phải là triệu chứng của bệnh dịch hạch, điều này làm giảm đi tính tin cậy của giả thuyết này.



Giả thuyết thứ 2 bắt nguồn từ niềm tin rằng khi chúng ta "hắt xì hơi", tim sẽ ngừng đập tạm thời trong vài giây. Bằng việc nói "Bless you!" sẽ giúp tim người đó lại quay về với nhịp đập của sự sống. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh "ắt xì" không làm tim ngừng đập.



Giả thuyết thứ 3 lại cho rằng người xưa tin rằng khi chúng ta "hắt xì" một phần linh hồn của ta sẽ văng ra. Việc nói "Bless you!" sẽ ngăn cản quỷ Satan bắt lấy phần linh hồn này và mảnh linh hồn sẽ quay về với khổ chủ.

Cũng có một giả thuyết cho rằng khi chúng ta "ắt xì" cũng là lúc Chúa ban phước lành cho người "ắt xì" hoặc người nghe được. Câu nói "God bless you!" thốt ra để cảm tạ phước lành này của Chúa.



Chỉ một cụm từ thôi mà có biết bao nhiêu cách giải thích nguồn gốc phải không các bạn? Dù cái nào là thật, mình nghĩ rằng câu nói "Bless you!" phản ánh sự lịch sự trong giao tiếp của người phương Tây và với sinh viên chuyên ngữ tụi mình, việc biến nó thành câu nói cửa miệng của mình sẽ góp phần giúp chúng ta hòa nhập tốt hơn nếu như bạn có cơ hội đến nước Anh và Mỹ.

Tại sao chúng ta lại nói "to have breakfast" chứ không phải là "to have morning meal"?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cần nhìn lại lịch sử của từ "fast". Thật ra, từ "fast" có 2 nét nghĩa chính:

Nét nghĩa 1: Trong tiếng Anh cổ, "fast" có nghĩa là "bền vững, an toàn, mạnh mẽ"; rất có thể là bắt nguồn từ gốc từ *fastu- trong tiếng Germanic nghĩa là "bền vững".
Một số ví dụ về nét nghĩa này:
+ Steadfast (a): từ này vẫn còn được sử dụng hiện nay, có nghĩa là "vững chắc, không dao động".
+ Handfast (v): từ này hiện không còn được sử dụng nữa, có nghĩa là "đính ước, ràng buộc trong hôn nhân".
+ Bedfast (a): từ này hiện không được sử dụng nhiều nữa mà được thay thế bằng từ "bedridden", nghĩa là "nằm liệt giường".
Từ năm 1550, từ "fast" mang nét nghĩa mới là "nhanh" sau đó xuất hiện những từ như là "fast food" (1951), fast lane (1966), vân vân. Từ "fast" chúng ta dùng hiện nay cũng có nét nghĩa như vậy.



Nét nghĩa 2: Trong tiếng Anh cổ có từ fæstan hay to fast có nghĩa là "kiêng ăn/uống tất cả hoặc một số loại thực phẩm". Điều này không nhất thiết là vì lý do tôn giáo mà có thể đơn giản là ý muốn cá nhân. Nét nghĩa này vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ. Rất có thể từ "breakfast" bắt nguồn từ nét nghĩa này có nghĩa là phá vỡ (to break) sự kiên ăn (fasting) trong một đêm dài trước đó.




Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, tác giả đã giới thiệu nguồn gốc của 2 cụm từ/ từ là "Bless you!" và "fast". Hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa và giải thích được vì sao chúng được sử dụng rộng rãi ngày nay. Bài viết là sự tổng hợp từ nhiều nguồn nên khó tránh khỏi những sai sót, rất mong các bạn đọc giả bỏ qua. Cảm ơn các bạn rất nhiều!!!

NGUỒN THAM KHẢO

2 nhận xét:

  1. Mong anh Phước viết thêm đi ạ. Những bài viết này của anh truyền cảm hứng em làm blog về ngôn ngữ học đấy!!! Hi vọng anh sớm come back!!!!

    Trả lờiXóa

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...