NHỮNG ỨNG DỤNG LIÊN NGÀNH CỦA NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC

Bài viết này được thai nghén từ một số trong chuỗi talk show online "xịn sò" do cô Thủy Thương chủ trì mang tên "Chat with scholars". Trong số ngày hôm ấy, anh Sơn - một Fulbrighter và cũng là diễn giả chính - đã chia sẻ với các bạn sinh viên khoa Anh về ngành Ngôn Ngữ Học Pháp Chứng (Tiếng Anh: Forensic Linguistics). Anh kể rất say sưa về ngành học của mình và cho người tham dự một cái nhìn tổng quan về một ngành học mang tính chất liên ngành và "đậm chất Sherlock Homes". Sau đó, mình tự hỏi: Tại sao mình không viết một bài blog về ứng dụng của Ngôn Ngữ Học trong đời sống? Các bạn biết không, Ngôn Ngữ Học là cơ sở lý thuyết cho rất nhiều ngành khác đã và đang có tác động tích cực đến xã hội ngày nay. Hãy cùng mình "du hý" qua các ngành này nhé!!!

Clinical Linguistics (Tạm dịch: Ngôn Ngữ Học Trị Liệu)
Chắc hẳn chúng ta thường hay nghe đến tật "cà lăm" hay "nói lắp". Những người có tật này sẽ có khuynh hướng lặp đi lặp lại hoặc kéo dài các âm khi giao tiếp tạo cho họ những bất tiện trong truyền đạt thông tin. Ngôn Ngữ Học Trị Liệu nghiên cứu những bất thường về ngôn ngữ như vậy. Thật ra, nó còn là một ngành khá là rộng bao gồm 3 mảng chính:
  • Những bất thường về tiếp thu ngôn ngữ (Reception): Tai là cơ quan cảm thụ rất quan trọng trong việc hình thành ngôn ngữ vì một đứa bé sẽ học nói thông qua việc lắng nghe thế giới xung quanh mình. Nếu tai bị những tổn thương nghiêm trọng thì ngôn ngữ tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, những người khiếm thính hoặc điếc hoàn toàn rất hạn chế khi nói chuyện với người khác, việc tạo lập một câu nói hoàn chỉnh là vô cùng khó khăn thậm chí là bị câm hoàn toàn. 
  • Những bất thường về tạo ra ngôn ngữ (Production): Ở mảng này, người ta sẽ nghiên cứu những rối loạn trong việc tạo lập ngôn ngữ, cụ thể là, những rối loạn trong bộ máy phát âm. Ví dụ, một số người nói Tiếng Anh có khuynh hướng phát âm những âm như /r/ hoặc /l/ thành âm /w/: I love you --> I wove you. 
  • Những bất thường về não bộ (Central): Não là cơ quan đầu não trung ương và là Tổng chỉ huy cho việc tạo lập ngôn ngữ, những thương tổn về não cũng là nguyên nhân cho các bệnh lý của con người. Một ví dụ là Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Tiếng Anh: Aphasia), người mắc phải Hội chứng này sẽ có khả năng ngôn ngữ kém, họ thường mất đi khả năng đọc hay nói.
Việc hiểu những bất thường trong phát triển ngôn ngữ sẽ có những ứng dụng tốt trong đời sống xã hội. Hiện nay, có nhiều nhà Ngôn Ngữ Học Trị Liệu nghiên cứu về cách để giao tiếp với trẻ tự kỷ và giúp các em hình thành ngôn ngữ, hòa nhập tốt với xã hội. Riêng mình là một giáo viên Tiếng Anh, mình có một ấp ủ rằng nếu có cơ duyên học ngành này, mình sẽ phát triển một môn học gọi là English Pronunciation Correction (Tạm dịch: Sửa phát âm tiếng Anh). Thông qua những kiến thức về Clinical Linguistics, mình tin rằng bản thân không chỉ hiểu mà còn có thể giúp các bạn sinh viên có vấn đề phát âm tìm ra phương pháp sửa đổi và nói tốt Tiếng Anh. Còn những bạn đã nói tốt sẽ có thể ứng dụng những phương pháp này trong việc dạy tiếng Anh trong tương lai.


Psycholinguistics (Tạm dịch: Ngôn Ngữ Học Tâm Lý)
Đây là một ngành học kết hợp cả 2 ngành là Tâm lý học và Ngôn ngữ học. Trọng tâm của ngành này nghiên cứu 3 mảng chính:
  • Xử lý ngôn ngữ (Language Processing): bạn có bao giờ thắc mắc làm sao mà con người có thể biến những suy nghĩ của mình thành lời nói? Có những quá trình tư duy nào đã xảy ra? Làm sao con người có thể tri nhận được ngôn ngữ? Xử lý ngôn ngữ đi sâu vào nghiên cứu những quá trình trừu tượng trong việc phát triển ngôn ngữ của con người. Ví dụ, trong lý thuyết về "Ngữ pháp phổ quát" (Universal Grammar) của Noam Chomsky, ông tin rằng có con người có một bộ máy hình thành ngôn ngữ chung, có những quy tắc ngữ pháp áp dụng cho tất cả ngôn ngữ trên thế giới. Quan điểm này còn gây tranh cãi trong giới Ngôn Ngữ Học.
  • Thụ đắc ngôn ngữ (Language Acquisition): mảng này nghiên cứu làm sao một đứa bé học một ngôn ngữ, đứa bé đó đã trải qua những giai đoạn nào và làm sao giúp bé hoàn thiện ngôn ngữ tốt nhất? Mảng này còn đào sâu vào việc làm sao con người tri nhận thêm ngôn ngữ thứ 2 hay thứ 3 thậm chí là nhiều hơn.
  • Ngôn ngữ học thần kinh (Neurolinguistics): Đối tượng nghiên cứu của mảng này là não bộ, những biến chứng do tổn thương não bộ, hay những vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ.

Historical Linguistics (Tạm dịch: Ngôn Ngữ Học Lịch Sử)
Các bạn có biết từ "gay" trong quá khứ có nghĩa là vô tư hoặc sặc sỡ nhưng qua thời gian nghĩa của nó dần thay đổi dùng để chỉ cộng đồng đồng tính? 
Hay cấu trúc phủ định tiếng Anh cận đại cũng khác ngày nay: "I didn't see" thời xưa người ta nói là 'I saw not"?
Hay các bạn có biết từ hấu trong "dưa hấu" là một từ Việt cổ có ý nghĩa là màu đỏ? 
Hay tại sao người Việt mình hay nói "Nghèo rớt mồng tơi", mồng tơi có phải chỉ giậu mồng tơi người ta hay trồng trước nhà hay không? Thật ra, 'mồng tơi' là để chỉ phần phía trên của chiếc 'áo tơi', người nông dân hồi xưa dùng để che nắng, che mưa. Ý nói nghèo đến nỗi cái áo tơi cũng không nguyên vẹn.

Ngôn ngữ luôn biến động, thay đổi theo thời gian chứ không đứng yên, bất biến. Nếu bạn dùng từ 'thảo mai', 'hết đát', 'cơm bụi' nói chuyện với một người ở thế kỷ 18, họ có thể xem bạn là người ngoài hành tinh. Ngôn Ngữ Học Lịch Sử là một hành trình đi ngược lại quá khứ để xem ông bà, tổ tiên mình sử dụng ngôn ngữ ra sao. Người học ngành này sẽ tra cứu những tư liệu cổ để tìm ra những khác biệt với ngôn ngữ ngày nay về cả mặt ngữ âm, cú pháp và ngữ nghĩa. Ngoài ra, họ còn so sánh đối chiếu các ngôn ngữ với nhau để tìm ra điểm chung và lập "Gia phả cho các ngôn ngữ". Nếu bạn là chuyên gia trong lĩnh vực này, thậm chí bạn còn có thể tái tạo được những tử ngữ mà con người không còn sử dụng nữa. Quá "ngầu" phải không nào?
Tham khảo: 
1/ Sách "English Syntax and Universal Grammar - Thầy Héctor Campos và Cô Bùi Huỳnh Thủy Thương.


1 nhận xét:

[POKÉMONASTICS - BIỂU TƯỢNG HỌC ÂM THANH VỀ POKÉMON]

Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta hiện/đã từng rất mê mẩn thế giới Pokémon - nơi có những sinh vật vô cùng đáng yêu nhưng cũng đầy quyền...