[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 1]

 Các bạn có bao giờ tự hỏi: Vì sao có các nhiễm sắc thể đi với nhau theo cặp? Vì sao có hai thái cực 'nóng' và 'lạnh'? Vì sao chúng ta có khái niệm 'hạnh phúc' và 'khổ đau'? Giới tự nhiên và cả xã hội loài người dường như được tổ chức theo cơ chế nhị phân tức đều đi với nhau theo từng cặp. Liệu tính nhị phân có thể được tìm thấy trong ngôn ngữ tự nhiên, bài viết ngày hôm nay sẽ phần nào giúp các bạn giải đáp được câu hỏi này. 


 Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ giới thiệu cho các bạn độc giả một hướng tiếp cận trong phân tích ngôn ngữ, cụ thể là từ góc nhìn của Ngữ pháp Phổ quát (Universal Grammar) - một lý thuyết được khai sinh bởi nhà ngôn ngữ học người Mỹ Noam Chomsky. Đây có thể được xem là một học thuyết đầy táo bạo hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Tuy nhiên, bài viết sẽ không đi vào những ý kiến trái chiều này mà sẽ hướng đến giới thiệu một giả thuyết (assumption) cho rằng: Ngôn ngữ tự nhiên chịu sự chi phối bởi tính nhị phân. 

GIỚI THIỆU VỀ NGỮ PHÁP PHỔ QUÁT (UG)
Trong những năm 50 của thế kỷ 20, Noam Chomsky đã đi tiên phong trong việc tiếp nối và hoàn thiện một lý thuyết ngôn ngữ đã bén rễ từ thế kỷ 13: Ngữ pháp Phổ quát - Universal Grammar (UG). Chomsky tin rằng loài người có một năng lực bẩm sinh (innateness) trong việc thụ đắc ngôn ngữ (Language Acquisition). Năng lực (competence) này đã được tích hợp trong bộ gene của mỗi người, chính vì vậy, việc học và thành thục một ngôn ngữ là vô cùng dễ dàng với một đứa trẻ. 

                              
Khi một đứa trẻ tiếp xúc với một ngôn ngữ (Experience of Language), nguồn dữ liệu đầu vào này (input) sẽ đi qua một Bộ máy xử lý ngôn ngữ trong não bộ (Faculty of Language-FL). Hãy tưởng tượng Bộ máy xử lý này như một CPU máy tính, nó sẽ phân tích nguồn dữ liệu đầu vào này từ đó đứa trẻ sẽ học được ngữ pháp của chính ngôn ngữ đó (Grammar of Language). 
Khi nghiên cứu về UG, các nhà ngôn ngữ học sẽ cố gắng hiểu về Bộ máy xử lý ngôn ngữ (FL) này. Chomsky cho rằng FL phải chịu sự chi phối bởi những quy luật mang tính phổ quát (universal principles), áp dụng được cho tất cả ngôn ngữ trên thế giới. Vì bởi, một đứa trẻ có thể học được bất kỳ một ngôn ngữ nào với điều kiện nó lớn lên trong chính xã hội sử dụng ngôn ngữ đó. Thêm vào đó, FL cấu thành từ các thành phần mà Chomsky gọi là các Tham biến (Parameters), và FL phải có một số lượng tham biến nhất định vì bởi nếu số lượng tham biến này là vô hạn, đứa trẻ sẽ không thể nào học được một ngôn ngữ. Vì sao Chomsky gọi là những tham biến? Vì bởi đối với một đứa bé sơ sinh, các tham biến ban đầu chưa có một sự cài đặt (settings) nào cả giống như một trang giấy trắng, khi có dữ liệu đầu vào (input) các tham biến (parameters) này sẽ bắt đầu được cài đặt. Chomsky còn mạnh dạn đề xuất rằng đối với một tham biến, số lượng khả năng (options) phải là thấp nhất để việc học ngôn ngữ trở nên dễ dàng nhất đối với một đứa trẻ và hướng nhị phân là tối ưu nhất. Mỗi một tham biến chỉ có hai khả năng xảy ra, bạn hãy tưởng tượng giống như một công tắc chỉ có ON (+) và OFF (-). 


FL có nhiều công tắc như vậy, quá trình cài đặt tham biến (parameter settings) sẽ tiếp diễn cho đến khi tất cả các công tắc được cài đặt, lúc đó đứa trẻ sẽ học được tất cả ngữ pháp của chính ngôn ngữ đó. Chính vì tính mở ban đầu của FL và có vô số khả năng kết hợp của các tham biến, chúng ta có thể học được bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Nói cách khác, dù mỗi một ngôn ngữ có một hệ thống ngữ pháp riêng biệt nhưng cơ chế để học những điểm ngữ pháp này với mỗi con người đều là giống nhau. Việc nghiên cứu UG tức là việc xác định những quy luật mang tính phổ quát này. Bài viết kế tiếp sẽ giới thiệu cho các bạn độc giả cụ thể hơn một số tham biến (parameters) tham gia vào quá trình thụ đắc ngôn ngữ được đề xuất bởi các nhà ngôn ngữ học theo trường phái UG...




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...