Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta hiện/đã từng rất mê mẩn thế giới Pokémon - nơi có những sinh vật vô cùng đáng yêu nhưng cũng đầy quyền năng. Thậm chí, có một tựa game mobile toàn cầu - "Pokémon Go" ra đời để ai cũng có thể trở thành nhà sưu tầm và huấn luyện Pokémon. Nhưng các bạn có biết rằng thế giới Pokémon đã góp phần tạo nền tảng cho một nhánh nghiên cứu trong Ngôn ngữ học gọi là Pokémonastics - Biểu tượng học âm thanh về Pokémon. Bài viết ngày hôm nay sẽ giới thiệu sơ nét cho các bạn về hướng nghiên cứu này.
Tôi biết đến Pokémonastics trong một dịp rất tình cờ khi một người cô đáng kính của tôi chia sẻ một bài báo về đề tài này, vì bởi tôi chưa từng nghĩ rằng có thể kết hợp thế giới Pokémon vào việc nghiên cứu ngôn ngữ. Sau đó, tôi có đọc thêm vài bài báo về đề tài này (tên cụ thể của các bài báo này trong phần "Nguồn tham khảo"). Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ tóm tắt lại những điểm chính về Pokémonastics dựa trên sự hiểu và tổng hợp thông tin của chính mình.
Nếu bạn đã từng học môn "Introduction to English Linguistics"- Sơ lược về Ngôn ngữ học Tiếng Anh thì bạn chắc chắn đã được giáo viên giới thiệu về Tính võ đoán (Tiếng Anh: Arbitrariness) của ngôn ngữ tức "không tồn tại mối tương quan giữa hình thức ngữ âm và khái niệm mà nó biểu thị".
Ví dụ: cat -/kæt/
Giả dụ rằng bạn chưa biết nghĩa của từ 'cat' thì nghe phát âm của nó bạn có đoán được ý nghĩa của nó không? Câu trả lời là không vì lớp vỏ ngữ âm không phản ánh ý nghĩa mà nó biểu thị, chúng ta phải tra từ điển mới biết được nghĩa của từ này là 'con mèo'. Như vậy, người Anh đã gán cho khái niệm 'con mèo' một hình thức ngữ âm là /kæt/ chứ không hề có tương quan nào về nghĩa ở đây.
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu về Pokémonastics lại cho rằng tên gọi của các loài Pokémon có thể hé lộ cho chúng ta biết những đặc điểm về chính loài Pokémon đó. Cụ thể như sau:
POKÉMON HỆ BAY - TÊN GỌI CÓ CHỨA ÂM XUÝT (SIBILANTS)
Từ thời Cổ đại, các nhà triết học trứ danh (điển hình là Socrates) đã cho rằng âm xuýt (sibilants) - nhóm âm khi phát âm tạo ra tiếng 'xì xì' (giống như âm [s], [z] trong Tiếng Anh) - có mối liên hệ với khái niệm 'gió, không khí, hay bầu trời'. Trong thế giới Pokémon, ta có thể thường xuyên bắt gặp âm xuýt trong tên gọi của những Pokémon hệ bay.
Ví dụ:
+ Zubatto - có âm [z] trong tên gọi.
+ Onisuzume - có âm [s] và [z] trong tên gọi.
+ Chirutto - có âm [tʃ] trong tên gọi.
POKÉMON HỆ TIÊN - TÊN GỌI CÓ CHỨA ÂM MÔI (LABIALS)
Trong Tiếng Nhật, âm môi (labials) như [m], [p], ... thường được liên tưởng tới hình ảnh 'em bé', 'dễ thương'. Vì bởi, em bé lúc tập nói thường sẽ bập bẹ những từ đầu tiên có chứa âm môi như 'mama', 'papa'. Trong thế giới Pokémon, tên gọi của những Pokémon hệ Tiên sẽ thường sẽ chứa âm môi.
Ví dụ:
+ Togepi - có âm [p] trong tên gọi.
+ Purin - có âm [p] trong tên gọi.
POKÉMON HỆ BÓNG TỐI - TÊN GỌI CÓ CHỨA ÂM CẢN HỮU THANH (VOICED OBSTRUENTS)
Trong tiếng Nhật, những từ có chứa âm cản hữu thanh như [b], [d], [g], [z] thường gợi sự liên tưởng đến những thứ 'đen tối', 'xấu xa' , có một lý giải rằng âm cản hữu thanh là những âm rất khó để phát âm nên tạo một cảm giác tiêu cực cho người phát âm. Trong thế giới Pokémon, những pokémon hệ bóng tối thường sẽ có âm cản hữu thanh trong tên gọi của chúng.
Ví dụ:
+ Daakurai - có âm [d] trong tên gọi.
+ Herugaa - có âm [g] trong tên gọi.
+ Zorua - có âm [z] trong tên gọi.
Kết lại, âm thanh nói (speech sounds) không hẳn là hoàn toàn võ đoán như chúng ta vẫn nghĩ, chúng có thể tạo ra những liên tưởng thú vị về mặt nghĩa. Điều này có thể quan sát được thông qua những ví dụ ở trên trong thế giới Pokémon. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể áp dụng hoàn toàn những lý thuyết này cho tất cả tên gọi của các pokémon và cần phải có thêm nghiên cứu về sự tương tác giữa các âm trong tên gọi Pokémon thay vì chỉ xét một âm đoạn riêng lẻ. Hướng nghiên cứu Pokémonastics hiện vẫn còn rất non trẻ, đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho các nghiên cứu trong tương lai./.
NGUỒN THAM KHẢO
1/ Kawahara, S., and Kumagai, G. (2019b). Inferring Pokémon types using sound symbolism: The effects of voicing and labiality. J. Phonetic Soc. Jpn 23, 111–116. doi: 10.24467/onseikenkyu.23.0_111
2/ Kawahara, S., Godoy, M. C., and Kumagai, G. (2020). Do sibilants fly? Evidence from a sound symbolic pattern in Pokémon names. Open Linguist. 6, 386–400. doi: 10.1515/opli-2020-0027
3/ Kawahara, S., and Kumagai, G. (2021). What voiced obstruents symbolically represent in Japanese: evidence from the Pokémon universe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét