[TIÊU ĐIỂM THÔNG TIN - FOCUS - PHẦN 1]

Khi tạo lập một câu, chúng ta sẽ muốn người nghe/người đọc tập trung vào một phần thông tin cụ thể nào đó nhằm đảm bảo sự thành công trong giao tiếp. Phần thông tin đó được gọi là "Focus-Tiêu điểm thông tin". Vậy "Tiêu điểm thông tin" là gì? Làm thế nào để tạo lập "Tiêu điểm thông tin" trong Tiếng Anh? Bài viết ngày hôm nay sẽ giúp các bạn giải đáp những câu hỏi trên...


TIÊU ĐIỂM THÔNG TIN LÀ GÌ?

Trong Cấu trúc thông tin (Information Structure), Focus hay "Tiêu điểm thông tin" chính là phần Thông tin mới (New Information) vì hiển nhiên, trong giao tiếp, chúng ta sẽ đặc biệt chú ý đến thông tin mới mẻ trên nền tảng những Thông tin cũ (Given Information) đã biết. 

Vị trí không đánh dấu (unmarked) hay vị trí thường gặp của "Tiêu điểm thông tin" chính là vị trí ở cuối một câu.

Ví dụ: John loves playing football

Ở ví dụ trên, Focus rơi vào "playing football" vì nó nằm ở vị trí cuối câu và đây cũng là một thông tin mới --> "Cái mà John yêu thích là chơi bóng đá". 


CỐ Ý ĐƯA MỘT THÔNG TIN RA CUỐI CÂU

Trong một số trường hợp, người nói/ người viết cố ý đưa một thông tin ra cuối câu để nó trở thành Focus dù thông tin đó không thường nằm ở cuối câu. Đây là một biện pháp tu từ phổ biến nhằm đạt được sự nhấn mạnh về mặt thông tin. 

Xin được lấy ví dụ từ một bài post trên trang cá nhân của một người thầy đáng kính của tôi:

"He suffers more than necessary, who suffers before it is necessary" - Tạm dịch: Người đau khổ nhiều hơn mức cần thiết là người đau khổ trước khi nó trở nên cần thiết.

Mệnh đề quan hệ "who suffers before it is necessary" thường sẽ nằm sau danh từ nó bổ nghĩa tức là "He", đáng lẽ ra câu này phải được viết là: "He, who suffers before it is necessary, suffers more than necessary". Tác giả đã cố ý chuyển dịch vị trí của mệnh đề quan hệ này ra sau nhằm tạo ra Focus và thông tin này sẽ in đậm vào trí nhớ của người đọc hơn. Từ đó đưa ra lời khuyên rằng: Chúng ta không nên lo lắng những chuyện chưa xảy đến. 


TIÊU ĐIỂM THÔNG TIN VÀ PHRASAL VERBS-ĐỘNG TỪ CỤM

Có thể áp dụng lý thuyết về Focus đối với cấu trúc của Phrasal Verbs-Động từ cụm, hãy nhìn vào hai ví dụ sau:

(1) They called off the meeting.

(2) They called the meeting off

Theo các bạn, hai câu trên có tương đồng nhau về Focus hay không? Câu trả lời là "Không", chúng có một sự khác biệt rất nhỏ về nghĩa. 

Đối với câu (1), Focus rơi vào "the meeting" tức người nói muốn nhấn mạnh rằng cái bị hủy bỏ là "the meeting" chứ không phải cái nào khác.

Còn đối với (2), Focus rơi vào "off" tức người nói muốn người nghe tập trung vào hành động "call off". Xác suất cao là người nói muốn nói là người ta "hủy" chứ không phải chỉ "hoãn" hoặc "dời". 

Như vậy, việc chuyển dịch vị trí của tân ngữ trong động từ cụm cũng sẽ bày tỏ những ý nghĩa sâu hơn. Và động từ cụm có tính linh hoạt hơn trong diễn đạt so với động từ thường như trong câu: They cancelled the meeting.  


CẤU TRÚC VỚI 'HERE...' VÀ 'THERE...'

Chúng ta cũng sẽ bắt gặp tiêu điểm thông tin trong những cấu trúc bắt đầu bằng 'here' hay 'there'.

Ví dụ: 

(1) Here comes the bus.

(2) There are two boys in the class.

 Những thông tin in đỏ là những thông tin mới nên chúng sẽ được đặt ở vị trí cuối câu.    


NHỮNG VỊ TRÍ KHÁC CỦA TIÊU ĐIỂM THÔNG TIN

Tuy nhiên, trong thực tế giao tiếp, Focus vẫn có thể nằm ở những vị trí khác trong câu (dù không phổ biến). Khi nói chuyện với nhau (khẩu ngữ), chúng ta sẽ tạo lập Focus thông qua trọng âm. Hãy nhìn vào những ví dụ sau:

(1) I love Ann. <Người tôi yêu là Ann chứ không phải ai khác>

(2) I love Ann. <Tôi yêu Ann chứ không phải là ghét bỏ cô ấy>

(3) I love Ann. <Tôi mới là người yêu Ann chứ không phải là một người nào khác>


Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Vậy đối với ngôn ngữ viết (bút ngữ), làm sao chúng ta tạo lập Focus nếu như chúng không nằm ở vị trí cuối câu và không có trọng âm như trong ngôn ngữ nói? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong bài viết kế tiếp...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...