LÀM SAO ĐỂ SỬ DỤNG ĐÚNG MẠO TỪ TIẾNG ANH?

Có bao giờ bạn viết một bài luận tiếng Anh và bạn phải dừng lại một hồi lâu trước một danh từ vì không biết phải dùng mạo từ nào cho chính xác? Hay bạn dùng một mạo từ bất kỳ mà không biết chắc là có đúng hay không? Mạo từ chưa bao giờ là vấn đề đơn giản nhưng không ít bạn học tiếng Anh chưa thật sự quan tâm về chúng. Hôm nay mình xin phép chia sẻ cách sử dụng mạo từ đứng từ cơ sở lý thuyết của Ngôn ngữ học chức năng (Tiếng Anh: Functional Grammar). Bài viết là cách hiểu của mình và có thể vẫn chưa thấu đáo, rất mong sự đóng góp ý kiến từ các bạn đọc giả.

Ở những cấp học trước đây, chúng ta được dạy trong Tiếng Anh có 3 mạo từ chính:
(1) A/an: mạo từ không xác định (Indefinite article)
(2) The: mạo từ xác định (Definite article)
Chúng ta dùng (1) trước một danh từ chưa được xác định tức chúng ta không biết danh từ đó chỉ đến sự vật nào trong thực tế, còn (2) sử dụng khi chúng ta đã hình dung được sự vật cụ thể nào đang được chỉ đến. Nhưng liệu lý thuyết ấy đúng trong mọi trường hợp?
Hãy lấy ví dụ: The eagle is on the verge of extinction.
Trong ví dụ trên, "the eagle" không chỉ một cá thể cụ thể nào cả mà chỉ chung cho cả một loài.

Hãy cùng thay đổi góc nhìn tí nhé, trước tiên, các bạn hãy nhìn vào cấu trúc của một cụm danh từ:

Determiner        +        Noun +           Post-modifiers
(Hạn định từ)              (Danh từ)          (Hậu bổ nghĩa)

Ở bài viết này chúng ta chỉ quan tâm đến hạn định từ, mạo từ là một loại hạn định từ của danh từ nhằm biểu đạt sự sở chỉ (Tiếng Anh: reference). Sự sở chỉ là một mối quan hệ giữa danh từ và sự vật được nói đến trong thực tế (Tiếng Anh: referent). Ví dụ, khi bạn nói "my dog" tức là bạn chỉ đến chú chó bạn đang nuôi ở nhà. Có 3 dạng sở chỉ chính trong tiếng Anh:
   + Sở chỉ tổng quát (Tiếng Anh: Generic reference): chỉ đến toàn bộ nhóm đối tượng. Ví dụ: Con người ai cũng yêu hòa bình.
   + Sở chỉ không xác định (Tiếng Anh: Indefinite reference): chỉ một phần của nhóm đối tượng và chưa xác định cụ thể. Ví dụ: Một số người yêu hòa bình.  
   + Sở chỉ xác định (Tiếng Anh: Definite reference): chỉ một phần của nhóm đối tượng và xác định cụ thể. Ví dụ: Người Việt Nam yêu hòa bình.
Bên trên mình đưa ra ví dụ bằng Tiếng Việt để các bạn dễ hiểu, câu hỏi bây giờ là làm sao thể hiện các loại sở chỉ trong tiếng Anh? Trong các phần sau này, chúng ta giả định trong tiếng Anh có 4 loại mạo từ:
+ A/an
+ The
Ø đọc là zero tức mạo từ vô hình
 Từ bây giờ, nếu bạn muốn dùng mạo từ đúng cách trước một danh từ, điều đầu tiên bạn cần làm là hình dung xem bạn có được hình ảnh cụ thể của đối tượng/nhóm đối tượng đó trong đầu hay không. Nếu có thì đó là sở thị xác định, nếu như không thì đó là sở thị tổng quát hay sở thị không xác định. Sau khi xác định được, chúng ta áp dụng những kiến thức sau đây.


I/ Sở chỉ tổng quát: để biểu thị trong tiếng Anh có 4 cách:
(1) The + danh từ số ít đếm được. Ví dụ: The computer plays an important role in our life now.
(2) A/An + danh từ số ít đếm được. Ví dụ: A dog never betrays his/her owner.
(3) Ø + danh từ số nhiều đếm được. Ví dụ: Dogs are friends to humans.
(4) Ø + danh từ trừu tượng. Ví dụ: Honesty is a good quality of humans.
Lưu ý
- Khi dùng (1) ta ngầm hiểu toàn bộ nhóm đối tượng là khối thống nhất, không tách rời.
- Khi dùng (2), ta ngầm hiểu đặc trưng được nói đến áp dụng cho từng cá thể và từ đó áp dụng cho toàn thể nhóm đối tượng. 
- Khi dùng (3), ta biểu thị nhóm đối tượng là một tập hợp của nhiều cá thể.
Chính vì vậy, tùy ngữ cảnh mà chúng ta sẽ dùng cho phù hợp. Ví dụ, khi nói đến sự tuyệt chủng, thì cách dùng (1) là hợp lý nhất, vì khái niệm tuyệt chủng xảy ra trên phương diện toàn thể loài chứ không chỉ diễn ra ở từng cá thể nên cách dùng (2) là không hợp lý và cách dùng (3) là có thể nhưng không biểu thị được tính thống nhất.
(✓): The eagle is on the verge of extinction.
(x): An eagle is on the verge of extinction.
II/ Sở thị không xác định: có 3 cách để biểu thị:
(1) A/an + danh từ số ít đếm được. Ví dụ: This is a dog.
(2) Ø + danh từ số nhiều đếm được. Ví dụ: I have dogs.
(3) Ø + danh từ trừu tượng. Ví dụ: If you have any doubt, please tell me. 
Lưu ý:
- Khi dùng (1), ta có 3 cách dùng:
   + Dùng để giới thiệu (Labelling use): This is a book.
   + Dùng để đề cập đến đối tượng lần đầu tiên sau đó đối tượng sẽ trở nên xác định (First-mention use): I have a house. The house is on the mountain.
   + Dùng với nghĩa là bất kỳ (Any-use): Bring a/any book with you!!!
- Khi dùng (2), (3) ta cần phân biệt với sở chỉ tổng quát nếu hình dung kỹ bạn sẽ nhìn ra sự khác biệt.
Ở ví dụ: + I have dogs --> bạn không thể nào sở hữu hết mọi chú chó trên thế giới.
              + If you have any doubt, please tell me --> doubt ở đây chỉ một sự nghi ngờ không xác định của một đối tượng, chứ không phải nghi ngờ nói chung.
III/ Sở chỉ xác định: để biểu thị ta dùng:
(1) The + danh từ đếm được số ít/số nhiều. Ví dụ: The house in the forest is big, The trees on the hill are tall.
(2) The + danh từ trừu tượng. Ví dụ: The honesty of the man is admirable. (ở đây chỉ sự thật thà của một đối tượng cụ thể)
(3) Tính từ sở hữu/Từ để trỏ + danh từ đếm được số ít/số nhiều. Ví dụ: His house is big, These trees are tall.
(4) Tính từ sở hữu/Từ để trỏ + danh từ trừu tượng. Ví dụ: His honesty is admirable. (ở đây chỉ sự thật thà của một đối tượng cụ thể)
Lưu ý
- Để tăng thêm tính xác định của cụm danh từ ta có thể dùng thêm những hậu bổ nghĩa hay post-modifier, dùng kèm với hạn định từ. Hậu bổ nghĩa có thể là:
   + Cụm giới từ (Prepositional phrase): the house in the forest.
   + Mệnh đề được chia (Finite clause): the house which I lived 10 years ago.
   + Mệnh đề không được chia (Non-finite clause): the boy playing in the garden, the girl killed in the accident.
- Nếu vật được nói đến là duy nhất ta dùng mạo từ "the": the sun, the moon.
- Ta có thể dùng ngữ cảnh hoặc kiến thức phổ quát để quyết định xem danh từ đó có xác định hay không:
Ví dụ: 
A: I do not like the new law.
B: But the Prime Minister has enacted that.
Ta thấy, dù từ "law - luật" và "Prime Minister - thủ tướng" chưa từng được nhắc đến trước đó nhưng vẫn xác định vì A và B đều biết luật đó là gì, thủ tướng hiện tại là ai, đó là những kiến thức phổ quát.
Kết lại, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mạo từ. Dù đã cố gắng biên soạn nhưng mình cũng khó tránh khỏi những sai sót, rất mong các bạn có thể đóng góp ý kiến để mình hoàn thiện hơn bài viết.
Trân trọng cám ơn các bạn vì đã dành thời gian đọc bài viết này.



2 nhận xét:

  1. Bài viết của anh thực sự rất hữu ích ạ! Kiểu như từ xưa đến giờ em toàn học theo quy tắc mà sau khi học cô Bảo Ngọc và đọc xong bài này em được mở mang nhiều điều quá!
    Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều kiến thức hay! Em rất mong là sẽ được đọc nhiều bài viết như thế này nữa!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn thầy đã có bài chia sẻ rất bổ ích ạ.

    Trả lờiXóa

[TÍNH NHỊ PHÂN (BINARINESS) TRONG NGÔN NGỮ - PHẦN 2]

 Trong bài viết trước , tác giả đã đề cập đến về Ngữ pháp phổ quát - Universal Grammar (UG) - một lý thuyết gắn liền với tên tuổi nhà ngôn n...